Triều đại Diodotos_II

Vua Diodotos I đã từng đánh đuổi vua Arsaces của người Parni ra khỏi Bactria dưới triều đại của mình. Arsaces sau đó đã xâm lược Parthia và thiết lập vương quốc của ông ta ở khu vực đông bắc Iran ngày nay. Diodotos I vẫn coi người Parni là kẻ thù trong suốt giai đoạn sau của triều đại. Tuy nhiên, Diodotos II đã đảo ngược chính sách của vua cha sau khi lên ngôi:[5]

Không lâu sau khi hân hoan vì nhận được tin về cái chết của Diodotos, Arsaces đã giảng hòa và thiết lập một liên minh với người con trai cũng tên là Diodotos; Một khoảng thời gian sau đó khi Seleukos đem quân tới đánh dẹp những kẻ nổi loạn, ông ta đã kháng cự và giành được thắng lợi: người Parthia đã tôn vinh thắng lợi này như là chiến thắng đánh dấu sự khởi đầu cho nền độc lập của họ

— Justin, 41.4

Trận chiến giữa Seleukos II và Arsaces diễn ra vào khoảng năm 228 TCN. Chúng ta hiện vẫn chưa rõ là Diodotos II có tham gia vào cuộc chiến này hay đơn giản chỉ là giữ thái độ trung lập, tuy nhiên điều này cũng đã giúp Arsaces có thể tập trung toàn bộ binh lực để đối phó với cuộc xâm lược của nhà Seleukos.[5]

Sau sự kiện trên, Diodotos đã bị Euthydemos I lật đổ vào khoảng năm 225 TCN, ông ta tiếp đó sáng lập ra triều đại Euthydemos.[6] W. W. Tarn nêu giả thuyết rằng Diodotos I đã cưới một công chúa nhà Seleukos làm vợ hai và có môt người con gái với bà, nàng công chúa này sau đó đã cưới Euthydemos và điều này khiến cho ông ta trở thành em rể của Diodotos II.[7] Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy sự tồn tại của những người phụ nữ này và giả thuyết này cũng không được giới học giả chấp nhận.[8] Không những vậy các bằng chứng khảo cổ học còn cho thấy thành phố Ai-Khanoum đã bị vây hãm vào khoảng năm 225 TCN, do đó Holt cho rằng sự kiện này có liên quan với sự nổi loạn của Euthydemos. Dường như đã có một cuộc nội chiến diễn ra và Euthydemos sau đó đã giành được thắng lợi-các bằng chứng về nghiên cứu tiền xu có thể chứng thực cho điều này.[9]

Hầu hết các học giả đều coi liên minh của Diodotos II với Arsaces là nhằm đối phó lại với mối đe dọa tới từ Seleukos II. Tarn đề xuất rằng sự tiếm vị của Euthydemos I chính là hậu quả của liên minh này.[7] Tuy nhiên, Frank Holt lại bác bỏ tất cả các giả thuyết trên: ông ta coi liên minh với Arsaces là để nhằm đối phó với Euthydemos.[10]